Xu hướng toàn cầu hóa tạo ra nhu cầu cao về giáo dục và bằng cấp đối với nhân sự nói chung. Mặc dù bạn có thể bắt đầu sự nghiệp quốc tế mà không cần bằng cấp, nhưng ít nhất một tấm bằng thạc sĩ sẽ giúp bạn tránh bớt những rào cản trong con đường phát triển sự nghiệp của mình.
Tuy nhiên, theo đuổi một tấm bằng thạc sĩ thường tốn kém chi phí – đặc biệt là các chương trình Chất lượng cao hoặc quốc tế, bỏ ra nhiều thời gian và công sức. Sau đây là sáu điều bạn nên cân nhắc trước khi quyết định theo đuổi một chương trình thạc sĩ.
1. Trau dồi kinh nghiệm
Mặc dù tấm bằng thạc sĩ có vẻ sẽ tạo ra điểm sáng trong CV của bạn, nhưng có một tấm bằng thạc sĩ mà không đi kèm kinh nghiệm làm việc thực tế có thể sẽ gây phản tác dụng.
Ở các vị trí khởi đầu, các nhà tuyển dụng thường không đòi hỏi bằng cấp cao. Những vị trí này thường không quá phức tạp, vì vậy tấm bằng thạc sĩ của bạn có thể làm nhà tuyển dụng thấy bạn đang vượt quá yêu cầu đối với vị trị khởi điểm tại công ty.
Tuy nhiên, nếu bạn không có kinh nghiệm làm việc, bạn sẽ không đủ yêu cầu cho các vị trí cao hơn. Lúc này bạn sẽ mắc kẹt giữa vị trí khởi điểm và vị trí trung cấp.
Do đó, lời khuyên cho bạn là: Bạn nên trau dồi một vài năm kinh nghiệm cho các công việc liên quan trước khi theo đuổi tấm bằng thạc sĩ. Hoặc bạn cũng có thể lựa chọn những chương trình thạc sĩ bán thời gian (học vào buổi tối và thứ bảy, chủ nhật) để vừa trau dồi kinh nghiệm làm việc vừa theo đuổi tấm bằng thạc sĩ.
2. Bằng cấp chung (general) hay bằng cấp chuyên môn (technical)
Hiên nay có rất nhiều chương trình thạc sĩ general có thể phát triển sự nghiệp quốc tế của bạn. Những chương trình này cung cấp cho bạn một nền tảng tốt để phát triển sự nghiệp trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực.
Tuy nhiên, những nhà tuyển dụng cấp cao cho rằng họ muốn tìm kiếm những người có trình độ kỹ thuật hơn. Ví dụ: Quản lý dự án xây dựng, điện tử, kỹ thuật dầu khí,… Một số công việc sẽ không yêu cầu bằng cấp về lĩnh vực cụ thể mà chỉ đòi hỏi kinh nghiệm, một số công việc thì đòi hỏi chính xác bằng cấp chuyên môn. Và việc có một bằng cấp chuyên môn sẽ giúp bạn ứng tuyển được vào cả hai công việc trên.
Càng ngày càng có nhiều chương trình general cung cấp các môn học trong các lĩnh vực cụ thể. Các chương trình chuyên môn thì được thiết kế bổ sung khối kiến thức quản trị hoặc song bằng. Nếu bạn không thể lựa chọn general hay technical, thì đây là một trong những lựa chọn tốt nhất của bạn.
3. Nghiên cứu thị trường việc làm
Có thể bạn đã tìm thấy một chương trình cung cấp nhưng kiến thức tuyệt vời cho con đường sư nghiệp của bạn. Nhưng trước khi thực sự quyết định, hãy thử tìm hiểu thị trường việc làm trong lĩnh vực đó. Liệu có những vị trí phù hợp với bằng cấp bạn sắp theo đuổi hay không.
4. Đừng chỉ nhìn vào tên trường
Đúng vậy, trong sự nghiệp phát tiển toàn cầu, nhiều nhà tuyển dụng không đặt nặng tên trường bạn đã tốt nghiệp. Vì vây, thay vì quá tập trung vào các chương trình đã quá quen thuộc, hãy cân nhắc thật kỹ những gì mà chương trình mang lại cho bạn.
Ví dụ: một số chương trình sẽ cho phép bạn thực hiện các công việc thực địa, tham quan doanh nghiệp, thậm chí trao đổi học thuật với các trường khác. Bạn cũng nên cân nhắc đến các hoạt động ngoài chương trình học như các hội thảo chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, networking, các sự kiện chuyên ngành, v.v… điều này giúp bạn trau dồi kiến thức đa góc nhìn đồng thời cũng giúp bạn tạo ra những mối quan hệ tốt cho con đường sự nghiệp của bạn.
5. Nhà tuyển dụng có thể nghi ngờ về các bằng cấp trực tuyến
Hiện nay có nhiều tổ chức cung cấp các chương trình trực tuyến. Về mặt logic, điều này giúp bạn dễ tiếp cận đến các chương trình thạc sĩ ở nhiều nơi hơn đi kèm với một số tiện lợi về thời gian và địa điểm so với chương trình học thông thường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng có thể nghi ngờ về chất lượng của bằng cấp trực tuyến và không đánh giá cao như các bằng cấp thông thường.
Do đó, trước khi chọn một chương trình trực tuyến, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ chuyên cần theo đuổi cả khóa học, uy tín và danh tiếng chương trình.
6. Cố gắng vừa học vừa làm
Nếu có thể, bạn nên chọn một chương trình bán thời gian để theo đuổi trong khi vẫn làm việc. Đôi khi các tổ chức sẽ tài trợ một phần khóa học và giúp bạn tiết kiệm chi phí bỏ ra. Thêm vào đó, bạn cũng tránh được việc công việc bị gián đoạn trong quá trình học.
Vừa học vừa làm cùng lúc cũng có thể giúp bạn ứng dụng những kiến thức đã học ngay vào công việc hiện tại và ngược lại. Bạn có thể mang những tình huống, vấn đề trong công việc để xin ý kiến từ bạn học, giáo sư, v.v…
Vừa học vừa làm cũng có thể gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Gary Lazor, Giám đốc quản lý nhân tài tại SSG Advisors, cho rằng việc vừa học vừa làm thể hiện khả năng quản lý thời gian, làm việc hiệu quả, điều này cải thiện khả năng trúng tuyển của ứng viên trong quá trình tuyển dụng.
International Master Programs dịch.