Trên bảng xếp hạng đại học theo lĩnh vực do tổ chức QS công bố, Ngành Kỹ thuật Dầu khí của Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM tiếp tục duy trì thứ hạng 51-100. Bên cạnh đó, có nhiều ngành, lĩnh vực do Trường tham gia đào tạo cũng góp mặt ở các vị trí cao tại bảng xếp hạng này.
Là ngôi trường có bề dày truyền thống đào tạo ở lĩnh vực Kỹ thuật & Công nghệ, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM hiện đang triển khai 35 ngành bậc Đại học. Trong đó, có không ít ngành do Trường tham gia đào tạo được đánh giá cao bởi các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới như tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS).
Chiều ngày 22/3/2023, QS công bố bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực – World University Ranking by Subject 2023 đối với 54 ngành học thuộc 5 lĩnh vực của gần 1.600 cơ sở giáo dục đại học thế giới.
Theo kết quả của bảng xếp hạng này, Đại học Quốc gia HCM có đến 9 ngành, nhóm ngành giữ vị trí cao. Cụ thể là ngành Kỹ thuật Dầu khí Top 51-100 thế giới, ngành Toán học Top 301-350; ngành Kỹ thuật Điện và Điện tử đạt Top 301-350; ngành Kỹ thuật Hóa học Top 401-420; ngành Khoa học Môi trường Top 401-450; ngành Khoa học Máy tính và Hệ thống Thông tin Top 451-500; ngành Hóa học đạt Top 601-630; nhóm ngành Quản lý và Khoa học Xã hội Top 501-530; nhóm ngành Kỹ thuật Công nghệ Top 401-450.
Trong đó, chỉ có ngành Kỹ thuật Dầu khí thuộc khoa Kỹ thuật Địa chất – Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM nằm trong top 51-100. Đây cũng là ngành học trong ĐH Quốc gia HCM chỉ có trường ĐH Bách Khoa đào tạo. Top 51-100 cũng là thứ hạng cao nhất mà một Trường đại học Việt Nam đạt được khi tham gia bảng xếp hạng QS. Trước đó, vào năm 2021, Kỹ thuật Dầu khí là ngành học duy nhất tại Việt Nam được xếp vào 101-150. Đến năm 2022, ngành vươn lên lọt vào top 51-100.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM là đơn vị đào tạo kỹ sư chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí lớn nhất tại phía Nam. Khoa đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ về lĩnh vực dầu khí, năng lượng sạch, năng lượng bền vững, tài nguyên trái đất và môi trường, địa kỹ thuật nền móng công trình tại Việt Nam và khu vực.
Bên cạnh Kỹ thuật Dầu khí, trong tổng số 9 ngành, nhóm ngành được xếp hạng của Đại học Quốc gia HCM vừa kể trên, có đến 6 ngành, nhóm ngành được Trường Đại học Bách khoa tham gia triển khai chương trình đào tạo, gồm ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử Top 301-350; ngành Kỹ thuật Hóa học Top 301-350; ngành Kỹ thuật Môi trường và ngành Quản lý tài nguyên & Môi trường (thuộc nhóm ngành Khoa học Môi trường) Top 401-450; ngành Khoa học Máy tính và ngành Kỹ thuật Máy tính (thuộc nhóm ngành Khoa học Máy tính và Hệ thống Thông tin) Top 451-500; ngành Quản lý Công nghiệp (thuộc nhóm ngành Quản lý và Khoa học Xã hội) Top 501-530; nhóm ngành Kỹ thuật Công nghệ Top 401-450.
Để đạt được thứ hạng này, các Trường Đại học cần đáp ứng bộ 4 tiêu chí đánh giá của QS, gồm (1) Danh tiếng học thuật, (2) Danh tiếng với nhà tuyển dụng, (3) Tỷ lệ trích dẫn bài báo và (4) Chỉ số H-Index với trọng số thay đổi phù hợp với đặc thù của từng ngành.
Theo đó, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM là trường tiên phong trong việc theo đuổi chiến lược quốc tế hóa giáo dục Đại học, từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng thông qua các kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Trường hiện dẫn đầu cả nước với 51 chương trình được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế uy tín như ASIIN, AQAS, FIBAA, AUN,…
Đặc biệt, trong những năm gần đây, mỗi năm Trường có khoảng 800 bài báo tạp chí và hội nghị quốc tế được đăng tải trên cơ sở dữ liệu Scopus và Web of Science, trong đó có nhiều công bố thuộc top 20 thế giới. Chiếm đến gần ½ tổng công bố khoa học quốc tế của Đại học Quốc gia HCM, Trường hiện là đơn vị nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chủ lực của khối ĐHQG HCM cũng như tại khu vực miền Nam với doanh thu chuyển giao công nghệ khoảng 130-150 tỷ mỗi năm.