Có 6 bài báo khoa học thuộc Web of Science/Scopus và được miễn phản biện độc lập
Theo thống kê của Trường Đại học Bách khoa, nghiên cứu sinh (NCS) tốt nghiệp có nhiều công trình khoa học mang tính ứng dụng cao, trung bình mỗi NCS có 4.6 bài báo được đăng trên tạp chí và hội nghị quốc tế uy tín. Theo quy định của Nhà trường, để đủ điều kiện đầu ra, nghiên cứu sinh (NCS) cần đảm bảo tối thiểu hai bài báo khoa học.
NCS Lữ Thị Mộng Thy (sinh năm 1984), nghiên cứu sinh khóa 2018, ngành Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM công bố 6 bài báo khoa học thuộc Web of Science/Scopus nghiên cứu về vật liệu nano oxit kim loại từ tính trên cơ sở Graphen oxit (GO) trong vòng 4 năm (1 bài Q1, 3 bài Q2, 1 bài Q3 và 1 bài Q4). Cùng với tổng hệ số trích dẫn bài báo cao IF = 11,807, Mộng Thy được miễn phản biện độc lập dù không nằm trong diện ưu tiên miễn phản biện.
Graphen oxit là một trong những vật liệu cấu trúc nano cacbon siêu mỏng, bao gồm nhiều lớp với các nhóm chức có khả năng liên kết với các kim loại nặng, chất ô nhiễm (hay còn gọi là khả năng hấp phụ). Nhằm hạn chế tình trạng các lớp GO tích tụ lại với nhau, các oxit kim loại từ tính là Fe3O4 và MnFe2O4 đã được đưa vào giữa các lớp GO.
Sự kết hợp giữa oxit từ tính và GO tổng hợp nên hai loại vật liệu nanocomposite (Fe3O4/GO và MnFe2O4/GO) mang các ưu điểm vượt trội như bề mặt riêng lớn, dung lượng hấp phụ cao và có tiềm năng ứng dụng trong xử lý các tác nhân gây ô nhiễm môi trường như chất màu, kim loại nặng,…
Trong đó, Fe3O4/GO với từ tính cao hơn có khả năng hấp phụ chất màu hữu cơ xanh methylen (MB), còn MnFe2O4/GO chủ yếu hấp phụ kim loại nặng như chì, arsenic, niken,…
“Bằng cách triển khai nghiên cứu song song 2 vật liệu Fe3O4/GO và MnFe2O4/GO, tôi tận dụng thời gian để đánh giá hình thái, cấu trúc vật liệu cũng như mở rộng hướng ứng dụng của đề tài”, Mộng Thy chia sẻ.
NCS đã có thể hoàn thành đúng hạn 3 năm học tiến sĩ, tuy nhiên vì muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn các loại vật liệu này, Mộng Thy dành thêm thời gian nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Trọng điểm ĐHQG-HCM Công nghệ Hóa học và Dầu khí Trường Đại học Bách khoa đến tháng 9/2022 dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Mai Thanh Phong và PGS. TS. Nguyễn Hữu Hiếu (khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa).
Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Hiếu, 6 bài báo được cộng đồng quốc tế công nhận là minh chứng cho các đóng góp mới về mặt học thuật cũng như tính ứng dụng khả thi của luận án.
“Các loại vật liệu mới này có khả năng góp phần giải quyết những hệ lụy kéo theo từ sự phát triển của nền công nghiệp cũng như ngăn ngừa các tác nhân gây hại đến sức khỏe con người”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Hiếu nhận định, cho biết có thể phối hợp với các đơn vị xử lý nước thải để thử nghiệm thực tế vật liệu. Ngoài ra, trong luận án còn nêu ra bộ thông số điều kiện hấp phụ tối ưu của các vật liệu này, tạo cơ sở để tư vấn cho các đơn vị sử dụng.
Nghiên cứu phải gắn liền với đam mê
Ở cương vị là một giảng viên khoa Công nghệ Hóa học – Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nghiên cứu đối với Mộng Thy là bước đệm để nâng cao trình độ và năng lực giảng dạy. Nhưng để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu này, đam mê mới là yếu tố giữ chân Thy.
Khi có ý định học tiến sĩ, Thy quyết định chọn Trường Đại học Bách khoa. “Chương trình đào tạo ở Trường Đại học Bách khoa bắt buộc người học phải có số lượng công bố nhất định trên các tạp chí uy tín (trong nước và quốc tế), do đó đòi hỏi ở người học sự tự nỗ lực cao, nếu không có đam mê sẽ rất dễ bỏ cuộc” – tân tiến sĩ chia sẻ.
PGS. TS. Hoàng Trang, Trưởng phòng Đào tạo Sau Đại học Trường Đại học Bách khoa cho biết, công tác quản lý chất lượng NCS tại Trường tương đối chặt chẽ, phải thông qua nhiều quy trình. Thí sinh phải bảo vệ đề cương đầu vào để đảm bảo điều kiện xét tuyển. Trung bình mỗi 6 tháng, NCS phải thực hiện các tiểu luận tổng quan, các chuyên đề để báo cáo tiến độ nghiên cứu, các hội thảo cấp bộ môn, cấp khoa.
“Quy trình chặt chẽ tạo điều kiện để NCS vừa trau dồi kiến thức chuyên môn, vừa nâng cao bản lĩnh, kỹ năng ứng xử trong môi trường học thuật. Đồng thời, Nhà trường cũng có cơ sở để thẩm định các luận án của NCS một cách sát sao hơn”, PGS. TS. Hoàng Trang nhận định, cho rằng NCS phải thực sự có mục tiêu học tập và nghiên cứu đúng đắn, có đam mê và kiên trì mới có thể hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Trường.
Theo PGS. TS. Hoàng Trang, tình hình tuyển sinh và cấp bằng trình độ Tiến sĩ tại Trường Đại học Bách khoa có xu hướng tăng trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay. Trung bình mỗi năm, Nhà trường công nhận và cấp bằng Tiến sĩ cho khoảng 40-50 Nghiên cứu sinh (NCS).
Nguồn: HCMUT