Đoàn công tác của Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM đến thăm và làm việc cùng các Trường Đại học và doanh nghiệp tại Nhật Bản

GS. Izuru Umehara – Hiệu trưởng và GS. Hiromi Kabashima – Phó Hiệu trưởng cùng các đại diện từ Yokohama National University trong buổi họp cùng Trường Đại học Bách khoa

Từ ngày 8-10/3/2023, đoàn công tác của Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM do PGS.TS. Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc với một số trường đại học và doanh nghiệp tại Nhật Bản.

Mục đích của chuyến công tác nhằm trao đổi cụ thể việc triển khai các hoạt động tiếp nối của Chương trình Giáo dục hợp tác “Collaborative Education Program (CEP)” trong dự án AUN/SEED-Net cùng các đối tác trong chương trình, gồm Yokohama National University và JFE Steel Corporation. Tại đây, các bên đã cùng nhau thảo luận và đề xuất các hoạt động tiếp nối từ thành công của chương trình CEP cũng như các ý tưởng khác nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các bên.

Đoàn công tác Trường Đại học Bách khoa thăm và làm việc tại JFE Steel Corporation

Trong buổi làm việc cùng Yokohama National University, hai bên đã trao đổi về cách thức triển khai chương trình đào tạo bằng đôi (double degree) dựa trên thỏa thuận đã ký kết. Theo đó, hai trường sẽ tiến hành rà soát các môn học trong chương trình đào tạo để thống nhất trong việc thực hiện theo cam kết. Về phía JFE Steel Corporation, tập đoàn đã đánh giá cao các kết quả đạt được từ chương trình CEP và mong muốn tiếp tục được hợp tác cùng Trường Đại học Bách khoa thông qua việc triển khai thêm nhiều chương trình hỗ trợ cho sinh viên và giảng viên như thực tập, nghiên cứu, tổ chức các bài giảng cho sinh viên…

PGS.TS. Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa và GS. Takeo Suzumi – Chủ tịch Hội đồng Trường Shibaura Institute of Technology

Nhân dịp trong chuyến công tác lần này, đoàn cũng đã đến thăm và làm việc cùng Shibaura Institute of Technology và Tokyo City University. Trong đó, Shibaura Institute of Technology đã xác định Trường Đại học Bách khoa là một trong những đối tác chiến lược. Vì vậy, cả hai bên đều cam kết sẽ hỗ trợ tích cực trong việc mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác cụ thể trong tương lai. Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề liên quan trong mạng lưới SEATUC, GTI nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nâng cao vai trò, hình ảnh của hai trường. Trong cuộc họp tại Tokyo City University, đại diện đôi bên đã trao đổi khả năng tiến đến ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm tạo tiền đề cho việc triển khai các hoạt động trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trường Đại học Bách khoa trong buổi họp cùng Tokyo City University

Trường Đại học Công nghệ Nagaoka và đại diện của 26 doanh nghiệp Nhật xúc tiến hợp tác với Trường Đại học Bách khoa

Sáng ngày 24/2, Trường Đại học Công nghệ Nagaoka, Nhật Bản phối hợp cùng Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin về việc hợp tác giữa các ngành công nghiệp và Trường đại học. Hội nghị giao lưu lần này được lãnh sự Quán Nhật Bản (chính phủ Nhật) công nhận là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt – Nhật.

Hội nghị có sự góp mặt của GS. TS. Umeda Minoru, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Nagaoka và đại diện của 26 doanh nghiệp Nhật Bản thuộc các lĩnh vực về sản xuất thiết bị, công nghệ phần mềm, điện – điện tử,… Về phía Trường Đại học Bách khoa có PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng, PGS. TS. Đặng Đăng Tùng, Giám đốc Văn phòng đào tạo Quốc tế cùng các trưởng đơn vị, phòng ban.

GS. TS. Umeda Minoru, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Nagaoka
PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo giải đáp thắc mắc từ phía đối tác Nhật

Nội dung chính của buổi họp tập trung vào các hoạt động hợp tác đào tạo và nghiên cứu thông qua mô hình GTP (Gigaku Tech. Park) giữa Trường Đại học Bách khoa – Trường Đại học Công nghệ Nagaoka – Các công ty ở Nhật và công ty Nhật có trụ sở tại Việt Nam. Trong khuôn khổ này, hình thức hợp tác chính yếu là thúc đẩy trao đổi sinh viên, nhà nghiên cứu, giáo sư và kỹ sư giữa hai trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt thực tập tại doanh nghiệp Nhật. 

GS. TS. Kobayashi chia sẻ về mục tiêu, định hướng và các hoạt động trong mạng lưới Gigaku Techno Park

Đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Bách khoa đang triển khai hai chương trình (CT) đào tạo liên kết với Trường Đại học Công nghệ Nagaoka gồm CT Chuyển tiếp Quốc tế Nhật Bản ngành Kỹ thuật Điện-Điện tử và CT Định hướng Nhật Bản đối với ngành Khoa học Máy tính & Cơ kỹ thuật. “Các chương trình này nhằm đào tạo nguồn lực kỹ sư trong nước có khả năng làm việc tại các môi trường quốc tế. Trường Đại học Bách khoa đặc biệt trân trọng sự hỗ trợ của Trường Đại học Công nghệ Nagaoka cũng như các công ty đối tác và mong rằng mối liên kết giữa các bên sẽ ngày càng bền chặt hơn trong tương lai”, PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo chia sẻ.

PGS. TS. Đặng Đăng Tùng thông tin về các chương trình đào tạo liên kết với Trường Đại học Công nghệ Nagaoka
Ông Takahashi Akihiko, Giám đốc Sorimachi Viet Nam

GS. TS. Umeda cho biết Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG.TPHCM là một trong những đối tác quan trọng của Trường Đại học Công nghệ Nagaoka trong việc thúc đẩy mô hình Gigaku Tech. Park tại Việt Nam. Đây là mô hình do Trường Đại học Công nghệ Nagaoka dẫn dắt hướng đến xây dựng mạng lưới kết nối có sự tham gia của ngành công nghiệp-Trường đại học-chính phủ địa phương tại một số nước trên thế giới nhằm đào tạo nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo cũng như đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp toàn cầu.

Lá thư (bản gốc) của chủ tịch thành phố Nagaoka-shi, chủ tịch đã cảm ơn và ủng hộ những hoạt động giao lưu giữa khối doanh nghiệp – trường học của thành phố Nagaoka với trường Đại học Bách khoa. Đây đồng thời là niềm khích lệ to lớn đối với cả hai Trường cũng như các doanh nghiệp trong việc duy trì và tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các bên.

Nguồn: https://hcmut.edu.vn/tintuc/Truong-DH-Nagaoka-va-doanh-nghiep-Nhat-xuc-tien-hop-tac-voi-Truong-Dai-hoc-Bach-khoa

Lớp học với giảng viên nước ngoài tại BK-IMP

Trong tháng 3, Chương trình Thạc sĩ Quốc tế BK-IMP đã mời GS.TS. Anton Worobei từ trường Đại học Khoa học ứng dụng Hoschule Bremen, Đức tham gia giảng dạy môn Construction Engineering and Technology cho ngành Quản lý xây dựng Khóa 2022. Chuyên ngành nghiên cứu của thầy là Quản lý Xây dựng, Khoa Kỹ thuật xây dựng dân dụng và môi trường

Kết hợp với kiến thức từ các bài giảng lý thuyết, thầy tổ chức các hoạt động thực hành trên mô hình giúp lớp học trở nên sinh động và thú vị hơn. Các học viên cảm thấy rất hứng thú khi học tập dưới sự hướng dẫn của thầy.

Hội thảo trực tuyến: TUYỂN SINH CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ QUỐC TẾ BK-IMP KHÓA 2023

Sự bùng nổ nhiều ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, và xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang là thách thức lớn dẫn đến thay đổi diện mạo thị trường lao động trong nhiều năm tới. Nhiều vị trí việc làm phải đối mặt với những biến chuyển bất ngờ của thị trường. Các nhà tuyển dụng ngày càng đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, và kỹ năng vượt bậc hơn… Đặc biệt đối với khối ngành kỹ thuật công nghệ, biến động xuất hiện càng nhiều thì nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao càng tăng. Thế nên tấm bằng Thạc sĩ Quốc tế sẽ là một bệ phóng vững chắc và tự tin cho con đường thăng tiến sự nghiệp của nhiều kỹ sư hiện nay.

✨Với mục đích chia sẻ định hướng trong bối cảnh tình hình suy thoái kinh tế cũng như lan tỏa những thông tin giá trị đến các bạn có nhu cầu học cao học tại Việt Nam với chương trình đạt chuẩn quốc tế, Văn phòng Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Bách Khoa ĐHQG HCM tổ chức buổi Hội thảo trực tuyến Tuyển Sinh Chương Trình Thạc sĩ Quốc tế BK-IMP.

Tại buổi hội thảo, diễn giả sẽ giúp bạn tháo gỡ những khó khăn và thách thức mà bạn đang phải đối mặt trước biến động của nền kinh tế toàn cầu cũng như giải đáp chi tiết những thắc mắc của các ứng viên về chương trình Thạc sĩ Quốc tế BK-IMP Khoá 2023.

🔰Đối tượng tham dự:

🔹Các bạn trẻ đi làm từ 2-3 năm sau khi tốt nghiệp.

🔹Người muốn học lên chương trình Thạc sĩ.

🔰Cụ thể Hội Thảo sẽ được tổ chức theo hình thức livestream trực tiếp tại Fanpage @Bách Khoa International Master Programs

– Thời gian: 9:00 – 10:00 Sáng Chủ Nhật: 5/3/2023

– Khách mời: 

    • PGS. TS. Phạm Trần Vũ – Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, trường Đại học Bách Khoa
    • PGS. TS. Lê Hoài Long – Phó trưởng khoa Khoa Kỹ thuật Xây dựng, trường Đại học Bách Khoa
    • PGS. TS. Trương Quang Vinh – Phó Giám đốc văn phòng Đào tạo Quốc tế, trường Đại học Bách Khoa – đơn vị tổ chức và vận hành chương trình Thạc sĩ Quốc tế BK – IMP

🔰Nội dung hội thảo:

1. Trao đổi giữa các diễn giả về thị trường lao động, xu hướng việc làm và học tập trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

2. Thông tin chi tiết về chương trình BK-IMP và các ngành học của chương trình BK-IMP. Chính sách tuyển sinh Khóa 2023. Chính sách học bổng và chính sách trao đổi sinh viên tại các trường đối tác nước ngoài. Quy trình nhập học và các thông tin liên quan cần thiết.

3. Hỏi đáp giao lưu cùng diễn giả

4. Kết thúc chương trình.

👉 Để được tham khảo, tìm hiểu các thông tin hữu ích từ chương trình đào tạo Thạc sĩ Quốc tế của trường Đại học Bách Khoa ĐHQG TP.HCM thì đừng bỏ qua hội thảo lần này các bạn nhé!

⏩⏩ Đăng ký tham gia tại đây: https://forms.gle/wzQA4CZwKfFah89h9

Tổ chức các kỳ thi cuối kỳ của học kỳ 221

Trong tháng 1/2023 và tháng 2/2023 vừa qua, các bạn học viên Chương trình Thạc sĩ Quốc tế BK-IMP ngành Khoa học Máy tính khóa 2021, ngành Khoa học Máy tính khóa 2022, ngành Quản trị Kinh doanh khóa 2021 & khóa 2022 và ngành Quản lý Xây dựng khóa 2021 đã hoàn thành các bài thi cuối kỳ của học kỳ 221 đối với một số môn học.