GIÁO SƯ TRẦN VĂN THỌ – GIÁO SƯ DANH DỰ ĐẠI HỌC WASEDA ĐẾN THĂM TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA

Sáng 13/4, Trường Đại học Bách khoa vinh dự đón tiếp Giáo sư Trần Văn Thọ – GS danh dự Đại học Waseda, Tokyo; Ủy viên Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ Nagaoka, Nhật Bản đến thăm và làm việc.

Đại diện Trường Đại học Bách khoa đón tiếp Giáo sư có PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng; PGS. TS. Đặng Đăng Tùng – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế cùng trưởng các đơn vị.

GS. Trần Văn Thọ tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế Đại học Hitotsubashi, sau đó là Phó Giáo sư rồi Giáo sư Đại học Obirin. Từ năm 2000, ông làm Giáo sư kinh tế Đại học Waseda (Tokyo) đến khi về hưu năm 2020. Ông là một trong ba người nước ngoài đầu tiên được mời làm việc trong Hội đồng tư vấn kinh tế nhiều đời của Thủ tướng Nhật cũng như làm cố vấn cho nhiều cơ quan của chính phủ Nhật Bản.

Giáo sư Trần Văn Thọ – GS danh dự Đại học Waseda, Tokyo; Ủy viên Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ Nagaoka, Nhật Bản

Trong lần thăm chính thức đầu tiên của GS. Trần Văn Thọ tại Trường Đại học Bách khoa, ông đánh giá cao những đóng góp tích cực của Trường Đại học Bách khoa với vị thế là ngôi trường kỹ thuật hàng đầu tại khu vực phía Nam. Trong buổi gặp gỡ này, GS. Trần Văn Thọ mong muốn tìm hiểu chi tiết hơn về hệ thống chương trình đào tạo; các chương trình liên kết với các đối tác quốc tế, đặc biệt là với Trường Đại học Công nghệ Nagaoka; các chiến lược phát triển và nâng cao nguồn nhân lực của Trường Đại học Bách khoa trong tương lai. Thông qua đó, Giáo sư có thể hỗ trợ Nhà Trường trong việc đóng góp ý kiến, tham mưu các kế hoạch, quảng bá hình ảnh, giới thiệu đối tác nhằm đẩy mạnh mạng lưới kết nối Việt-Nhật,…

Trao đổi với GS. Trần Văn Thọ, PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo đã giới thiệu về mô hình đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa, đặc biệt nhấn mạnh ba nhiệm vụ trọng tâm của Trường gồm (1) nâng cao chất lượng đào tạo theo chiến lược quốc tế hóa giáo dục; (2) đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; (3) mang giá trị tri thức Bách khoa phục vụ cho cộng đồng. Về kế hoạch đào tạo của Trường trong tương lai, PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo cho biết với cơ chế tự chủ, Trường sẽ tiếp tục tăng cường các chương trình đào tạo quốc tế, đầu tư song song vào cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, đồng thời bám sát nhu cầu thực tế của xã hội và doanh nghiệp để có thể bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên môn cao.

PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo giới thiệu tổng quan về Trường Đại học Bách khoa

Trước những yêu cầu đối với phát triển năng lực toàn diện cho người học, GS. Trần Văn Thọ còn đặt vấn đề về việc lồng ghép các kiến thức xã hội nhân văn vào trong đào tạo kỹ thuật công nghệ. Đại diện Trường Đại học Bách khoa cho biết trong 4,5 năm gần đây, Nhà trường bắt đầu chú trọng hơn về cách thức đào tạo này thông qua việc triển khai các hoạt động/dự án liên ngành nhằm giúp sinh viên có góc nhìn đa chiều hơn về xã hội học.

PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo khẳng định việc nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tư vấn từ GS. Trần Văn Thọ là trợ lực để Trường Đại học Bách khoa hoàn thiện hơn các chính sách phát triển Trường cũng như cho địa phương & xã hội. Phía đại diện Trường Đại học Bách khoa bày tỏ hy vọng tiếp tục được trao đổi và đồng hành cùng GS. Trần Văn Thọ ở các hoạt động quan trọng của Nhà trường thời gian tới.

Nguồn: HCMUT

7 NHÓM NGÀNH DO TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA – ĐHQG-HCM THAM GIA ĐÀO TẠO XẾP THỨ HẠNG CAO TẠI BẢNG XẾP HẠNG QS

Trên bảng xếp hạng đại học theo lĩnh vực do tổ chức QS công bố, Ngành Kỹ thuật Dầu khí của Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM tiếp tục duy trì thứ hạng 51-100. Bên cạnh đó, có nhiều ngành, lĩnh vực do Trường tham gia đào tạo cũng góp mặt ở các vị trí cao tại bảng xếp hạng này.

Là ngôi trường có bề dày truyền thống đào tạo ở lĩnh vực Kỹ thuật & Công nghệ, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM hiện đang triển khai 35 ngành bậc Đại học. Trong đó, có không ít ngành do Trường tham gia đào tạo được đánh giá cao bởi các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới như tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS).

Chiều ngày 22/3/2023, QS công bố bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực – World University Ranking by Subject 2023 đối với 54 ngành học thuộc 5 lĩnh vực của gần 1.600 cơ sở giáo dục đại học thế giới. 

Theo kết quả của bảng xếp hạng này, Đại học Quốc gia HCM có đến 9 ngành, nhóm ngành giữ vị trí cao. Cụ thể là ngành Kỹ thuật Dầu khí Top 51-100 thế giới, ngành Toán học Top 301-350; ngành Kỹ thuật Điện và Điện tử đạt Top 301-350; ngành Kỹ thuật Hóa học Top 401-420; ngành Khoa học Môi trường Top 401-450; ngành Khoa học Máy tính và Hệ thống Thông tin Top 451-500; ngành Hóa học đạt Top 601-630; nhóm ngành Quản lý và Khoa học Xã hội Top 501-530; nhóm ngành Kỹ thuật Công nghệ Top 401-450.

Trong đó, chỉ có ngành Kỹ thuật Dầu khí thuộc khoa Kỹ thuật Địa chất – Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM nằm trong top 51-100. Đây cũng là ngành học trong ĐH Quốc gia HCM chỉ có trường ĐH Bách Khoa đào tạo. Top 51-100 cũng là thứ hạng cao nhất mà một Trường đại học Việt Nam đạt được khi tham gia bảng xếp hạng QS. Trước đó, vào năm 2021, Kỹ thuật Dầu khí là ngành học duy nhất tại Việt Nam được xếp vào 101-150. Đến năm 2022, ngành vươn lên lọt vào top 51-100.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM là đơn vị đào tạo kỹ sư chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí lớn nhất tại phía Nam. Khoa đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ về lĩnh vực dầu khí, năng lượng sạch, năng lượng bền vững, tài nguyên trái đất và môi trường, địa kỹ thuật nền móng công trình tại Việt Nam và khu vực. 

Bên cạnh Kỹ thuật Dầu khí, trong tổng số 9 ngành, nhóm ngành được xếp hạng của Đại học Quốc gia HCM vừa kể trên, có đến 6 ngành, nhóm ngành được Trường Đại học Bách khoa tham gia triển khai chương trình đào tạo, gồm ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử Top 301-350; ngành Kỹ thuật Hóa học Top 301-350; ngành Kỹ thuật Môi trường và ngành Quản lý tài nguyên & Môi trường (thuộc nhóm ngành Khoa học Môi trường) Top 401-450; ngành Khoa học Máy tính và ngành Kỹ thuật Máy tính (thuộc nhóm ngành Khoa học Máy tính và Hệ thống Thông tin) Top 451-500; ngành Quản lý Công nghiệp (thuộc nhóm ngành Quản lý và Khoa học Xã hội) Top 501-530; nhóm ngành Kỹ thuật Công nghệ Top 401-450.

Để đạt được thứ hạng này, các Trường Đại học cần đáp ứng bộ 4 tiêu chí đánh giá của QS, gồm (1) Danh tiếng học thuật, (2) Danh tiếng với nhà tuyển dụng, (3) Tỷ lệ trích dẫn bài báo và (4) Chỉ số H-Index với trọng số thay đổi phù hợp với đặc thù của từng ngành.

Theo đó, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM là trường tiên phong trong việc theo đuổi chiến lược quốc tế hóa giáo dục Đại học, từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng thông qua các kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Trường hiện dẫn đầu cả nước với 51 chương trình được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế uy tín như ASIIN, AQAS, FIBAA, AUN,…

Đặc biệt, trong những năm gần đây, mỗi năm Trường có khoảng 800 bài báo tạp chí và hội nghị quốc tế được đăng tải trên cơ sở dữ liệu Scopus và Web of Science, trong đó có nhiều công bố thuộc top 20 thế giới. Chiếm đến gần ½ tổng công bố khoa học quốc tế của Đại học Quốc gia HCM, Trường hiện là đơn vị nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chủ lực của khối ĐHQG HCM cũng như tại khu vực miền Nam với doanh thu chuyển giao công nghệ khoảng 130-150 tỷ mỗi năm.

Chương trình học bổng Tiến sĩ tại Nhật Bản năm 2023 thuộc dự án AUN/SEED-Net

Phòng Quan hệ Đối ngoại trân trọng thông báo đến Quý thầy cô và các bạn sinh viên thông tin về chương trình học bổng Tiến sĩ tại Nhật Bản năm 2023 thuộc dự án AUN/SEED-Net như sau:

Số lượng: 10 suất cho tất cả các trường thành viên của dự án AUN/SEED-Net.

Quy trình nộp hồ sơ:

  • Bước 1: Ứng viên quan tâm, vui lòng gửi hồ sơ đầy đủ đến cô Phổ – Phòng Quan hệ Đối ngoại theo thời hạn quy định. Sau khi thu hồ sơ, Phòng Quan hệ Đối ngoại sẽ kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của từng hồ sơ và chuyển tiếp cho Văn phòng Dự án AUN/SEED-Net. Việc đánh giá và xét chọn sẽ do Văn phòng dự án và Trường tiếp nhận phía Nhật Bản quyết định.

Hồ sơ bao gồm:

+ 01 file scan toàn bộ hồ sơ được gửi đến email: ntpho@hcmut.edu.vn

+ 01 công văn đề cử ứng viên nộp hồ sơ cho chương trình học bổng có chữ ký của Ban lãnh đạo Khoa/TT/PTN…nơi ứng viên đang làm việc (đối với trường hợp ứng viên đang là cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Trường ĐHBK)

+ 01 thư giới thiệu từ Ban Chủ nhiệm Khoa nơi ứng viên đang/đã từng theo học tại Trường ĐHBK (đối với trường hợp ứng viên là sinh viên, học viên cao học, cựu sinh viên)

+ Minh chứng cho các hoạt động mà ứng viên đã từng tham gia, hỗ trợ… trong dự án AUN/SEED-Net trước đây.

Thời hạn nhận hồ sơ: đến hết ngày 10/4/2023. Nhà trường không chịu trách nhiệm cũng như không giải quyết các trường hợp gửi sau thời hạn nêu trên.

Lưu ý: trong quá trình chuẩn bị các biểu mẫu theo quy định của dự án, ứng viên được yêu cầu liên hệ với Phòng Quan hệ Đối ngoại để được hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo thông tin được đầy đủ và đúng theo yêu cầu của dự án.

  • Bước 2: Sau khi nhận được thông báo kết quả từ Trường Đại học tiếp nhận phía Nhật Bản, ứng viên được yêu cầu hoàn thiện các biểu mẫu để nhà trường hoàn thành quá trình đề cử đến các cơ quan liên quan của Việt Nam làm cơ sở để Văn phòng JICA Việt Nam hỗ trợ các thủ tục tiếp theo trước khi ứng viên sang nhập học tại Trường tiếp nhận phía Nhật Bản. Quy trình này sẽ được Phòng Quan hệ Đối ngoại hướng dẫn chi tiết đến các ứng viên được cấp học bổng.

Thông tin chi tiết về yêu cầu, điều kiện ứng viên, hồ sơ và mẫu đơn liên quan, Quý thầy cô và các bạn sinh viên vui lòng xem file đính kèm.

Mọi thắc mắc, ứng viên có thể liên hệ cô Nguyễn Thị Phổ – Phòng Quan hệ Đối ngoại  qua email: ntpho@hcmut.edu.vn.

Trân trọng.

HỘI THẢO “THE GOLDEN AGE OF AI: CHATGPT AND SMART-WORK BASED AI”

HỘI THẢO “THE GOLDEN AGE OF AI: CHATGPT AND SMART-WORK BASED AI” 

📌 Bạn đang quan tâm đến ngành trí tuệ nhân tạo (AI) đầy tiềm năng?

📌 Bạn muốn biết “cơn sốt” ChatGPT đang khuynh đảo nền công nghệ thế giới như thế nào?

📌 Bạn mong muốn được giao lưu và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo?

———

Thời gian gần đây, công cụ ChatGPT đã và đang tạo nên một “cơn địa chấn” trong làng công nghệ, thu hút đông đảo sự quan tâm của mọi người trên toàn thế giới. Đây là một chatbot do công ty OpenAI (Mỹ) phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. Tại Việt Nam, ChatGPT và OpenAI cũng lọt vào danh sách những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google hiện nay. 

Các chuyên gia nhận định, ChatGPT có thể tạo ra cú hích có tác động tích cực đến con người trong hầu hết các lĩnh vực, từ việc xử lý những nhiệm vụ đơn giản như: tìm kiếm thông tin, cung cấp các giải pháp trả lời cho các câu hỏi phức tạp, giúp đỡ người dùng tìm ra thông tin cần thiết; cho đến thực hiện các công việc chuyên môn phức tạp như: phân tích dữ liệu và tổng hợp thông tin, hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu, giúp các tổ chức phi chính phủ và các cộng đồng địa phương tìm kiếm các giải pháp địa phương cho các vấn đề địa phương…

Có thể nói, sức mạnh đột phá mà ChatGPT mang lại còn hơn cả một chatbot có khả năng giao tiếp như người thật. Công nghệ này đang thực sự mở ra một cánh cửa mới giúp con người khai phá tiềm năng to lớn của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), qua đó tạo ra sự thay đổi tích cực cho nhiều ngành nghề kinh tế trong tương lai. 

Chính vì những lợi ích to lớn mà công nghệ  ChatGPT mang lại nói riêng, cũng như  ngành trí tuệ nhân tạo nói chung đem lại cho cuộc sống mà lĩnh vực này luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Liệu rằng, trong tương lai, ngành trí tuệ nhân tạo  còn tạo ra những “cơn địa chấn” nào khác? Và chúng ta cần làm gì để đón đầu những làn sóng công nghệ mới này? Nhằm giúp mọi người giải đáp các thắc mắc trên và tự tìm câu trả lời cho riêng mình, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, chương trình Thạc sĩ Quốc tế BK-IMP tổ chức hội thảo với chủ đề “The Golden Age of AI: ChatGPT and Smart-work Based AI”.

⏰ Thời gian: 9h30 đến 11h00, Chủ nhật, ngày 09/04/2023

 📍 Địa điểm: Phòng 202 A4 – Trường Đại học Bách Khoa ĐHQG HCM – 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM

Buổi hội thảo với sự tham gia chia sẻ của các diễn giả:

  • PGS.TS. Quản Thành Thơ – Phó Trưởng khoa Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính – Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM)
  • TS. Lê Minh Hưng – Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch
  • PGS.TS. Trương Quang Vinh – Phó Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM)

Nhanh tay đăng ký tham gia Hội thảo “The Golden Age of AI: ChatGPT and Smart-work Based AI” ngay hôm nay nhé!

🔥 Đăng ký tại đây: https://forms.gle/CWDr3TAxrDe6CZwN9

—————————–

🔖 Chương trình Thạc sĩ Quốc Tế

📌 Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG HCM

🏣 Phòng 306, lầu 3, tòa nhà A4, trường ĐHBK – 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM

📞 Điện thoại: 028 7300 4183 | Hotline: 03 3264 3264

📧 Email: info@imp.edu.vn

 

 

CHIÊU SINH LỚP CHUYỂN ĐỔI, BỔ TÚC KIẾN THỨC 2023 ĐỢT 1

Phòng Đào tạo Sau đại học – Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG Tp. HCM trân trọng thông báo kế hoạch chiêu sinh lớp chuyển đổi, bổ túc kiến thức như sau:

1.Đối tượng: Thí sinh tốt nghiệp đại học thuộc các ngành không phải là ngành đúng, ngành gần với ngành dự thi, có nguyện vọng học tiếp lên cao học (Danh mục ngành đúng ngành gần xem tại: https://pgs.hcmut.edu.vn/vi/tuyen-sinh/thac-si/danh-muc-nganh-dung-nganh-gan.)

2. Thời gian đăng ký và nộp hồ sơ: Đến hết ngày 31/03/2023

– Nộp hồ sơ tại Phòng Đào tạo Sau đại học – P. 115 B3 (Bắt buộc) (Hồ sơ theo mẫu đính kèm)

3. Học phí: 1.500.000đ/tín chỉ

4.Dự kiến thời gian khai giảng: Tháng 4 – 2023

Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ:

Phòng Đào tạo SĐH – Trường Đại học Bách Khoa (P. 115 B3)

Điện thoại: 028.38637318 – Hotline: 0766 780 247

Trân trọng thông báo./.

File đính kèm: