Trường ĐH Bách khoa ký kết thỏa thuận hợp tác với trường ĐH Auckland (New Zealand)

Ngày 15/11, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và New Zealand trong bối cảnh mới” đã được diễn ra với sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và ông Grant McPherson – Giám đốc Điều hành Cơ quan Giáo dục New Zealand. 


PGS.TS Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng đại diện trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Auckland – Đại học New Zealand

Đại diện phía Việt Nam và New Zealand đã trao đổi nhiều kinh nghiệm trong giáo dục và đào tạo như: xây dựng chương trình học, các chương trình học bổng, trao đổi sinh viên;… Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng đã đại diện trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Auckland – Đại học New Zealand.

Trước đó, vào tháng 3/2022 hai trường đã thực hiện ký thỏa thuận khung. Nhân dịp này, hai trường thực hiện ký kết triển khai chương trình liên kết đào tạo dành cho sinh viên, học viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính trường ĐH Bách khoa, gồm bậc đại học (2+2) và bậc sau đại học (1+1). 

Theo nội dung ký kết, sinh viên học 2 năm đầu tại trường ĐH Bách khoa, có mong muốn chuyển tiếp học tại Trường Đại học Auckland trong hai năm tiếp theo nếu đáp ứng các đủ các điều kiện về học lực, ngoại ngữ… Tương tự, ở bậc sau đại học, một năm đầu tại trường ĐH Bách khoa, sau đó chuyển tiếp học tại Trường Đại học Auckland trong năm tiếp theo. Sau khi hoàn thành khóa học, các ứng viên sẽ được nhận bằng từ Trường Đại học Auckland . Trong năm đầu tiên thực hiện, có 5 suất dành cho bậc đại học và từ 3 đến 5 suất cho học viên cao học. Sau đó, hai trường sẽ đánh giá và xem xét thực hiện cho những năm tiếp theo. 

Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm sau buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết hiện nay, có một số lượng lớn du học sinh Việt Nam đang du học tại New Zealand, nhiều chương trình học bổng của Chính phủ New Zealand đã và đang hỗ trợ nhiều sinh viên Việt Nam có điều kiện học tập tại nước ngoài. Thứ trưởng cũng mong muốn hai bên tiếp tục mở rộng các chương trình học bổng; tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm về giáo dục và đào tạo; tiếp tục phối hợp và liên kết giữa các trường đại học; phát triển thêm các chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên.

Nguồn: P. QTTH-TT (tổng hợp)

Thông báo Lễ Khai giảng Chào đón tân học viên khóa 2022-2024

Lễ Khai giảng chào đón tân học viên khóa 2022-2024 sẽ được diễn ra như sau:

– Thời gian: 14:00 – 15:30, ngày 9/10/2022

– Địa điểm: Hội trường B4, Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP. HCM (268 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh)

– Khách tham dự: Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, các giảng viên và học viên chương trình Thạc sĩ Chất lượng cao BK-IMP.

Kính mời quý thầy cô và các bạn học viên tham dự buổi lễ khai giảng khóa 2022-2024./.

HỘI THẢO: “THÚC ĐẨY NĂNG LỰC SÁNG TẠO CỦA NHÀ QUẢN LÝ BẰNG TƯ DUY THIẾT KẾ”

Ngày nay, bạn dễ dàng nghe mọi người trao đổi hoặc tìm hiểu về Tư duy thiết kế – Design Thinking và đây cũng là một trong những kỹ năng nền tảng cho bất kỳ ai trong tương lai. Kỹ năng này đã được lãnh đạo của rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Google, Samsung hay Amazon, …. áp dụng và tạo nên những thành công nhất định, góp phần tạo nên vị thế dẫn đầu cho doanh nghiệp của mình. Vậy kỹ năng này là gì mà có thể trở thành kỹ năng của tương lai?

Nhằm giúp cho mọi người có thể có một cái nhìn tổng quát cũng như cách ứng dụng kỹ năng này vào cuộc sống và công việc, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh để đạt được mục tiêu của mình, Chương trình Thạc sĩ Chất lượng cao BK-IMP đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề THÚC ĐẨY NĂNG LỰC SÁNG TẠO CỦA NHÀ QUẢN LÝ BẰNG TƯ DUY THIẾT KẾ. Buổi hội thảo với sự chia sẻ của PGS.TS. Phạm Quốc Trung – Giảng viên trường Đại học Bách Khoa. Một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu về kinh doanh như Quản lý tri thức, Khoa học quản lý ứng dụng, Chuyển đổi số, Quản lý hệ kinh doanh thương mại điện tử…

🌟 Đại diện cho chương trình Thạc sĩ Chất lượng cao BK-IMP, PGS.TS Trương Quang Vinh cũng là khách mời của buổi hội thảo đã dành thời gian chia sẻ thông tin về ngành Quản trị Kinh doanh của chương trình Thạc sĩ Chất lượng cao BK- IMP cũng như những giá trị mà ngành này mang đến cho học viên của mình như môi trường học tập cũng như kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết cho một nhà quản lý trong tương lai. Và buổi hội thảo này chính là một phần của môn học Kỹ năng quản trị nhằm giúp khách mời có thể trải nghiệm được một buổi học của chương trình BK-IMP ngành Quản trị Kinh doanh.

🌟 Nếu như trong khóa học trực tuyến với chủ đề 5 KỸ NĂNG CƠ BẢN DÀNH CHO NHÀ QUẢN TRỊ KỸ THUẬT sẽ giới thiệu và hướng dẫn cách phát triển những kỹ năng cơ bản mà một nhà quản lý, đặc biệt là kỹ sư cần biết như kỹ năng về nhận thức, quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm và tư duy phản biện thì trong buổi hội thảo trực tiếp, PGS.TS. Phạm Quốc Trung cũng dành nhiều thời gian giới thiệu về Tư duy thiết kế trong quản trị cũng như phương thức để nhà quản trị ứng dụng trong doanh nghiệp. Có thể nói Tư duy thiết kế là một phương pháp tư duy khoa học giúp đổi mới sáng tạo, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của doanh nghiệp. Tư duy thiết kế là năng lực tập thể với mục đích hướng tới đáp ứng nhu cầu người dùng, lấy khách hàng là trung tâm. Phương pháp tư duy này sẽ giúp công ty đề ra giải pháp để giải quyết khó khăn của khách hàng một cách triệt để.

🌟 Chúng ta có thể chia quy trình tư duy thiết kế thành 5 giai đoạn đó là: thấu hiểu, đồng cảm khó khăn của khách hàng; định danh, xác định vấn đề của khách hàng; lên ý tưởng; đưa ra nguyên mẫu và cuối cùng là thử nghiệm, kiểm tra. Ở mỗi giai đoạn, diễn giả đưa ra những ví dụ để khách tham dự có thể hiểu rõ hơn về từng giai đoạn của tư duy thiết kế. Không dừng lại ở đó, diễn giả cũng đưa ra câu đố để khách tham dự có thể tự tin ứng dụng kỹ năng này trong thực tế.

Trong buổi hội thảo, những câu hỏi thú vị đến từ khách tham dự cũng đã được diễn giả giải đáp tận tình. Hy vọng những kiến thức từ khóa học và buổi hội thảo sẽ phần nào trang bị cho khách tham dự đặc biệt là những kỹ sư, những kiến thức và kỹ năng quản lý hữu ích có thể ứng dụng trực tiếp vào công việc hiện tại để thăng tiến trong tương lai.

Opening Session BK – IMP – Chào đón học viên Khóa 2019 – 2021

Sự kiện Opening Session BK – IMP đã diễn ra vào 28/09 tại trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG Tp.HCM. Sự kiện nhằm chào đón các Tân học viên khóa 2019-2021 của chương trình Thạc sĩ Chất lượng cao (BK-IMP), tạo điều kiện để học viên và nhà trường có cơ hội gặp gỡ, trao đổi về chặng đường 2 năm sắp tới.

Chương trình vinh dự chào đón sự hiện diện của Giáo sư Rolf-Dieter Reineke – giám đốc chương trình Thạc sĩ MBA-MCI đến từ Thụy Sỹ, các đại diện đến từ khoa Kỹ thuật Xây dựng và khoa Quản lý Công nghiệp, quý thầy cô trực tiếp giảng dạy tại chương trình, Ban giám đốc OISP cùng với sự góp mặt của các học viên đến từ các nước trong khu vực ASEAN: Phillipines, Indonesia, Myanmar và Việt Nam.

Các học viên quốc tế của chương trình BK – IMP

Mở đầu sự kiện TS. Trương Quang Vinh – đại diện OISP  đã chia sẻ thông tin tổng quan và điểm nổi bật về chương trình Thạc sĩ Chất lượng cao (BK-IMP), chương trình đào tạo Thạc sĩ ở khối ngành Kĩ thuật đầu tiên hoàn toàn bằng tiếng Anh tại Việt Nam.

Tiến sĩ Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế Bách Khoa

Sau những chia sẻ TS. Trương Quang Vinh, Giáo sư Rolf-Dieter Reineke, Giám đốc chương trình Thạc sĩ MBA-MCI, đối tác chiến lược của Văn  phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) đã chia sẻ thêm về Mối quan hệ hợp tác giữa hai chương trình: MBA-MCI và BK-IMP, giúp học viên có cơ hội trải nghiệm môi trường quốc tế, nâng cao khả năng trau dồi kiến thức và kỹ năng không chỉ ở lĩnh vực chuyên ngành mà còn ở các lĩnh vực khác như Quản lý – Quản trị khi theo học Thạc sĩ tại trường ĐH Bách Khoa – ĐHQG Tp.HCM.

Giáo sư Rolf-Dieter Reineke đại diện đến từ chương trình MBA-MCI

Để hiểu sâu về chương trình Đào tạo Thạc sỹ Chất lượng cao chuyên ngành Quản lý Xây dựng, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sỹ – Trưởng bộ môn Thi công và Quản lý Xây dựng đã phân tích những điểm nổi bật trong lộ trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Xây dựng 2 năm học sắp tới và cơ hội phát triển học thuật và nghề nghiệp tại Việt Nam cũng như nước ngoài dành cho học viên của chương trình

Tiến sĩ Đỗ Tiến Sỹ – Trưởng Bộ môn Thi công và Quản lý Xây dựng

Kết thúc chương trình BK-IMP Opening Session, khách mời và học viên đã có cơ hội giao lưu và trao đổi về chương trình cũng như các dự định sắp tới. Buổi lễ là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự hội nhập sáng tạo và phát triển của Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) cũng như của trường ĐH Bách Khoa – ĐHQG Tp.HCM.

Tp.HCM, ngày 30.09.2019
International Master Program (BK-IMP)

2 đại học Việt Nam giữ hạng trong top 1.000 đại học hàng đầu thế giới

Việt Nam tiếp tục có hai trường đại học xuất hiện trong bảng xếp hạng thường niên nổi tiếng QS World University Rankings là Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hai đại học của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng danh tiếng QS World University Rankings 2020 – Ảnh chụp màn hình

QS World University Rankings (Bảng xếp hạng đại học thế giới QS) danh tiếng của Anh vừa công bố danh sách 1.001 trường đại học hàng đầu thế giới năm 2020.

Trong bảng xếp hạng 1.001 trường đại học đến từ 82 quốc gia và vùng lãnh thổ này, Việt Nam có hai cái tên xuất hiện là Đại học Quốc gia TP.HCM đứng top 701-750 và Đại học Quốc gia Hà Nội đứng top 801-1.000.

Trước đó, trong bảng xếp hạng năm 2019, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đều lọt vào danh sách này với vị trí tương tự.
Kết quả xếp hạng được đưa ra dựa trên cuộc khảo sát với 94.000 trường đại học, 44.000 quản lý tuyển dụng, 11,8 triệu bài nghiên cứu và 100 triệu trích dẫn.

QS World University Rankings xếp hạng các trường đại học theo 6 tiêu chí, gồm: danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng, tỉ lệ giảng viên/sinh viên, tỉ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên, tỉ lệ giảng viên quốc tế và sinh viên quốc tế.

Top 10 đại học hàng đầu thế giới trên QS World University Rankings 2020 – Ảnh chụp màn hình

Nằm trong top 10 QS World University Rankings 2020 có 5 trường đến từ Mỹ, 4 trường đến từ Anh và 1 trường đến từ Thụy Sĩ. Xếp hạng cao nhất trong số 1.001 trường là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở bang Massachusetts, Mỹ. Đứng ở vị trí thứ 2 và 3 lần lượt là Đại học Stanford và Đại học Harvard của Mỹ.

Tại châu Á, hai đại học được xếp hạng cao nhất là Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) và Đại học Quốc gia Singapore, đồng hạng 11.
QS World University Rankings là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) ở Anh. Bảng xếp hạng này lần đầu được công bố vào năm 2004.

Theo Tuổi trẻ online